Tóm tắt
Gần đây, các chế độ ăn chay ngày càng trở nên phổ biến. Một chế độ ăn chay thường có thể đem lại nhiều lợi ích sức khỏe bởi nó rất giàu chất xơ, axit folic, vitamin C và E, kali, magiê, cùng nhiều hóa chất thực vật khác, bên cạnh đó thì chế độ ăn uống này cũng có hàm lượng chất béo không bão hòa cao hơn. So sánh với các chế độ ăn chay thường (vegetarian diet) khác thì chế độ thuần chay (vegan diet) thường chứa ít chất béo bão hòa và cholesterol hơn, đồng thời cũng lại giàu chất xơ dinh dưỡng hơn. Những người theo xu hướng ăn chay thuần thường có vóc dáng mảnh khảnh hơn, lượng cholesterol trong huyết thanh và huyết áp của họ cũng thấp hơn, nhờ vậy mà họ ít có nguy cơ mắc các bệnh về tim hơn. Tuy nhiên, việc loại bỏ tất cả các sản phẩm có nguồn gốc động vật khỏi chế độ dinh dưỡng lại làm tăng nguy cơ thiếu hụt các dưỡng chất nhất định. Cụ thể là người ăn chay thuần dễ thiếu các chất dinh dưỡng vi lượng, bao gồm vitamin B12 và vitamin D, canxi, cũng như các axit béo n-3 chuỗi dài (omega-3). Nếu người ăn chay thuần không thường xuyên tiêu thụ các loại thực phẩm được tăng cường (fortified) những dưỡng chất này, thì họ sẽ phải dùng các loại thực phẩm bổ sung (supplements) thích hợp. Trong một số trường hợp, nồng độ sắt và kẽm trong cơ thể của người ăn theo chế độ thuần chay cũng có thể là một vấn đề đáng lo ngại, vì sinh khả dụng bị hạn chế của những khoáng chất này.
Read more